Doanh Nhân Tập Sự vừa qua đã có cuộc phỏng vấn với hai Brand Ambassador về từ khóa "MT" hiện nay. Cùng xem họ nói gì nhé! 1. Anh Dương Liên Gia - Senior Manager, BPA Capability AB InBev
Theo anh, đâu là đặc điểm sáng giá của một ứng viên tham dự Management
Trainee sẽ lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng?
🔸 Culture Fit: Có phù hợp với văn hóa không ty hay không?
🔸 Functional Capability: có khả năng chuyên môn đáp ứng được yêu cầu của công việc hay không?
🔸 Leadership Capability/Potential: có khả năng và/hoặc tiềm năng lãnh đạo để phát triển lâu dài với công ty hay không?
Đặc thù của các chương trình MT là tuyển các bạn fresh, và luôn có các chương trình luân chuyển giữa các phòng ban để các bạn học hỏi và được đào tạo thêm, nên tiêu chí số 2 về khả năng chuyên môn sẽ ít được xem xét đến, tuy nhiên ứng viên thường cũng cần có xuất thân từ chuyên ngành liên quan ở một mức độ nhất định.
Vì thế, khoảng 80% quyết định sẽ được đặt dựa trên hai tiêu chí còn lại: Sự phù hợp với văn hóa và Năng lực/Tiềm năng lãnh đạo. Trong đó, yếu tố Phù hợp Văn hóa sẽ chiếm 30%, còn 50% còn lại sẽ phụ thuộc vào Năng lực/Tiềm năng lãnh đạo.
Yếu tố Phù hợp Văn hóa sẽ khác nhau tùy vào từng công ty. Các bạn có thể tìm hiểu về Văn hóa công ty thông qua phương tiện truyền thông, các thông tin trên website hoặc fanpage, nhưng tốt nhất là tìm và nói chuyện với những người đã làm việc ở công ty đó. Đây gần như là yếu tố khó kiểm soát nhất, vì bạn không thể ép mình theo một hướng tính cách hoặc suy nghĩ quá khác biệt với bản thân bạn. Tuy nhiên, Văn hóa Công ty cũng sẽ có sự thay đổi theo thời gian, nên một số công ty cũng sẽ rất cởi mở trong việc tiếp nhận những bạn có cá tính mạnh mẽ và khác biệt.
Yếu tố cuối cùng là Năng lực/Tiềm năng lãnh đạo. Đây là yếu tố chiếm trọng số lớn nhất trong quyết định tuyển dụng và cũng là yếu tố mà bạn có thể chủ động rèn luyện và trao dồi. Mỗi công ty cũng sẽ có những định nghĩa khác nhau về Năng lực/Tiềm năng lãnh đạo. Tuy nhiên, đa phần đều sẽ quy về một số kỹ năng về Lãnh đạo như Kỹ năng quản lý đội nhóm, Kỹ năng giải quyết vấn đề, Kỹ năng giao tiếp hiệu quả, Kỹ năng phân tích và định hướng, Sự bền bỉ và thích nghi với thay đổi,… Các bạn có thể trau dồi những kỹ năng này qua các khóa học, tuy nhiên thuyết phục nhất vẫn là cách các bạn đã vận dụng và học hỏi về những kỹ năng này thông qua các hoạt động ở trường, ở CLB, ở các tổ chức đội nhóm. Chính vì thế, chúng ta sẽ thường thấy các bạn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, có nhiều ví dụ để chia sẻ hơn về các kỹ năng này, sẽ thể hiện mình tốt hơn ở các kỳ thi MT.
Theo anh, “tiềm năng” liệu có là yếu tố quan trọng đối với mỗi ứng viên không? Anh suy nghĩ gì về thông điệp “khai phóng tiềm năng” mà DNTS muốn truyền tải?
Có hai khái niệm mà chúng ta hay đề cập đến: năng lực và tiềm năng. Năng lực là những điều mà chúng ta đã và đang làm được. Nên mới thấy mọi người hay dùng những cụm từ như “khẳng định năng lực”, “chứng tỏ năng lực”. Còn tiềm năng là những điều mà chúng ta có thể làm được trong tương lai. Chính vì thế mà mới hay nói “khai phóng tiềm năng”, “khám phá tiềm năng”. Chúng ta thường rất hiểu rõ và tự tin vào năng lực của mình, bởi vì đó những điều chúng ta đã và đang có trong tay. Điều ngược lại xảy ra với tiềm năng, đôi khi bạn không thật sự có thể hình dung được bản thân mình có thể làm được gì trong tương lai gần và xa. Theo quan sát của anh, chính việc khó nắm bắt này đã tạo nên tâm lý e ngại làm giới hạn cơ hội phát triển của một bộ phận không nhỏ các bạn sinh viên mới ra trường, chỉ vì các bạn không nghĩ rằng bản thân mình có tiềm năng. Chính vì thế, anh rất thích thông điệp “Khai phóng tiềm năng” mà Doanh nhân tập sự truyền tải, bởi vì anh nghĩ đó là điều thiết thực mà cả doanh nghiệp và sinh viên đang tìm kiếm.
Theo anh, các ứng viên cần chuẩn bị những gì để trở thành một phiên bản tốt nhất, đồng thời là phù hợp nhất với các chương trình MT?
Thứ nhất, để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân mình thì có hai việc quan
trọng mà các bạn cần nắm vững:
🔸 Hiểu rõ bản thân: đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình, nguyện vọng, sở thích, giá trị cuộc sống mà mình muốn hướng tới, cũng như những điều mà mình không thể nào thỏa hiệp trong cuộc sống. Việc hiểu rõ bản thân sẽ giúp các bạn xác định được con đường phù hợp cho mình và biết đưa ra quyết định phù hợp trước những lựa chọn quan trọng trong sự nghiệp và cuộc sống;
🔸 Không ngừng đưa bản thân ra khỏi “vùng an toàn”: mỗi ngày một chút, hãy cố gắng khám phá và thử nghiệm thêm những việc mà bản thân mình chưa bao giờ trải nghiệm, hoặc làm những việc cũ theo một cách mới, tư duy mới. Việc đưa bản thân ra khỏi “vùng an toàn” liên tục sẽ giúp các bạn rèn luyện kỹ năng học hỏi, thích ứng với sự thay đổi, cũng như không ngừng mở ra những cơ hội tuyệt vời trong tương lai. “Great things never came from comfort zones”.
Thứ hai, với các chương trình Management Trainee thì anh có một số nhắn nhủ thế này:
🔸 Điều đầu tiên vẫn là xác định xem bản thân các bạn có phù hợp với chương trình Management Trainee hay không? Hay các bạn sẽ phù hợp với với các vị trí entry level bình thường ở một công ty? Hãy tìm hiểu kỹ về lộ trình của các bạn Management Trainee để có thể hình dung được mức độ thử thách, thay đổi và kỳ vọng cao mà công ty dành cho các bạn, cũng như sự mông lung hiện hữu trong suốt quá trình (nhiều lựa chọn quá cũng là một yếu tố gây stress). Management Trainee là một chương trình đào tạo các lãnh đạo tương lai (future leaders) rất hay, tuy nhiên nó không phải là chương trình dành cho tất cả mọi người, và cũng không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công.
🔸 Tiếp theo, nếu đã xác định đó chính là lựa chọn của mình, thì hãy dành thật
nhiều thời gian để tìm hiểu và chuẩn bị.
✔️ Tìm hiểu: tất tần tật về thông tin cơ bản của các chương trình, cũng như những vấn đề liên quan về văn hóa công ty, lộ trình phát triển, cảm nghĩ của các bạn đã và đang là MT ở công ty đấy, các yêu cầu dành cho ứng viên, các vòng tuyển chọn và mục đích của các vòng tuyển chọn đấy. Những thông tin này thường được công bố rộng rãi, hoặc các bạn có thể tham dự các buổi hội thảo, hội chợ nghề nghiệp để có cơ hội tương tác gần hơn với doanh nghiệp;
✔️ Chuẩn bị: quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị bản thân, hiểu rõ về mình ở thời điểm hiện tại và bức tranh mà mình muốn xây dựng trong tương lai. Bên cạnh đó, việc trau dồi và trang bị cho mình những trải nghiệm, những “câu chuyện” minh chứng cho tiềm năng lãnh đạo là điều hết sức quan trọng!
Nhắn nhủ cuối cùng của anh:
Anh cũng từng là sinh viên, cũng trải qua giai đoạn mới ra trường không có kinh nghiệm làm việc trong tay để chứng tỏ được năng lực của mình, và cũng từng nghĩ bản thân mình vốn không có tiềm năng lãnh đạo gì. Tuy nhiên, chính suy nghĩ đó làm cho bản thân anh không ngừng phấn đấu và học hỏi từ công việc, từ những người xung quanh và không ngừng làm những điều mình chưa bao giờ làm để nâng cấp bản thân. Ở thời điểm bây giờ nhìn lại, anh đang làm rất nhiều việc mà khi ra trường anh thậm chí chưa hình dung là mình có thể làm được! Chính vì vậy, anh mong các bạn luôn có niềm tin là mình có thể làm được, nếu mình quyết tâm. Anh muốn kết thúc phần chia sẻ của mình bằng câu nói của Henry Ford mà anh rất thích: “There is no man living who isn’t capable of doing more than he thinks he can do”.
2. Anh Trần Huỳnh Minh Nhân - Digital Acceleration Team Member Head Quater Nestle Thụy Sỹ
Theo anh, đâu là đặc điểm sáng giá của một ứng viên tham dự Management Trainee sẽ lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng?
Theo anh Nhân, một ứng viên tham dự chương trình Management Trainee được gọi là sáng giá khi sở hữu 3 “tiềm năng” chính sau:
🔸 Lãnh đạo: đúng như cái tên của chương trình, các công ty/ tập đoàn đa quốc gia sẽ gật đầu ngay với những bạn có tố chất và tiềm năng lãnh đạo. Những bạn nào đã từng làm vị trí ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ, Đội, Nhóm sẽ có lợi thế bởi vì các bạn đã có kinh nghiệm dẫn dắt các thành viên tổ chức, thực hiện các hoạt động của CLB. Tuy nhiên, tổ chất lãnh đạo còn thể hiện ở việc làm chủ phần việc của mình (ownership/ startup spirit), thông qua việc thuyết phục, ảnh hưởng người khác để hoàn thành việc chung của nhóm, đem lại hiệu quả và kết quả.
🔸 Linh hoạt: hiện tại, khái niệm VUCA đang trở thành một thuật ngữ phổ biến trong giới kinh doanh đặc biệt với những nhà quản lý. VUCA là tên viết tắt của các từ trong quan điểm cho rằng kinh doanh luôn phải đối mặt với nhiều biến động (Volatility), bất định (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity). Vì vậy, những nhà quản trị tương lai của các công ty FMCG càng cần phải trở nên linh hoạt hơn bao giờ hết. Hơn nữa, vì MT phải luân phiên (rotate) qua các phòng ban, các bạn phải luôn sẵn sàng để thích nghi và học hỏi ở tốc độ nhanh nhất có thể.
🔸 Tư duy: kinh nghiệm, “thủ thuật” hay “công cụ” (tactics & tools) sẽ được học hỏi và đào tạo trong quá trình các bạn làm việc. Do đó trong quá trình tuyển dụng, tư duy nhìn nhận và phân tích vấn đề một cách đủ sâu và thấu đáo, ở một bức tranh lớn (big picture) mới là yếu tố mà các công ty FMCG cần ở một MT.
Theo anh, “tiềm năng” liệu có là yếu tố quan trọng đối với mỗi ứng viên không? Anh suy nghĩ gì về thông điệp “khai phóng tiềm năng” mà DNTS muốn truyền tải?
Như đã chia sẻ ở câu hỏi trước, chương trình Management Trainee dành cho sinh viên năm cuối và những người đi làm không quá 2 năm, nên “tiềm năng” chính là yếu tố quan trọng đối với các bạn ứng viên, chứ không phải kinh nghiệm. Kinh nghiệm sẽ giúp các bạn có thêm điểm cộng vì đã được cọ sát với thực tế, nhưng không vì thế mà các nhà tuyển dụng bỏ qua những viên ngọc thô (fresh). Anh nghĩ, DNTS tập trung đào sâu và truyền tải thông điệp “khai phóng tiềm năng” là vô cùng thực tế và sâu sát với nhu cầu của các doanh nghiệp. Thông qua Cuộc thi này, các bạn sinh viên có cơ hội “thi thử” , tích lũy kinh nghiệm trước khi tham gia vào đấu trường Management Trainee thực tế đầy khốc liệt (tỉ lệ chọi cao ngất ngưỡng), đồng thời lại được lắng nghe những chia sẻ của các bạn, các anh chị đi trước và hiểu rõ hơn những gì mà các công ty FMCG cần để từ đó tự trau dồi thêm những điểm mà mình còn “chưa đủ” hoặc “chưa tiềm năng” hoặc cần khai phá thêm.
Với anh, trải nghiệm nào đến bây giờ là đáng nhớ nhất trước những lần dám dấn thân của bản thân trên hành trình trở thành một MT? Anh muốn gửi gắm gì cho các bạn sinh viên đang trong quá trình chuẩn bị tốt nhất cho bản thân?
Theo anh, trải nghiệm đáng nhớ nhất là “Summer Camp” – vòng Assessment Center của Nestlé. Trải qua 3 ngày với lịch trình dày đặc, vừa được nghe training, giới thiệu từ các phòng ban, các nhãn hàng (brand) của Nestlé, vừa tham gia các thử thách (business case) từ nhỏ tới lớn, Nhân cảm thấy vừa mệt, vừa căng thẳng nhưng thật sự rất vui. Được hiểu hơn về công ty, về ngành (FMCG), và hiểu được bản thân mình mạnh gì, yếu gì khi làm việc nhóm, lại có nhiều người bạn mới sau Summer Camp nữa, đến giờ làm ở nhiều nơi khác nhau nhưng vẫn còn giữ liên lạc và chơi khá là thân.
Đối với các bạn sinh viên đang trong quá trình chuẩn bị cho hành trình chinh phục các cuộc thi Management Trainee, anh xin mượn slogan của một nhãn giày anh yêu thích “Just do it”. Đừng sợ! Các bạn sẽ không mất gì khi ứng tuyển và tham gia chương trình Management Trainee, cũng như DNTS cả! Cái bạn mất đi tuy nhất sẽ là thời gian, nhưng hãy xem đó là một sự đầu tư. Nếu đầu tư phải sinh lãi (ROI), thì lãi của các bạn chính là hiểu hơn về ngành FMCG, hiểu hơn chính bản thân mình, cọ xát và học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng (phỏng vấn, làm việc nhóm,…), kết thêm bạn mới (networking), hoặc đôi khi thi Management Trainee để hiểu hơn mình đôi khi không hợp với chương trình này.
Chúc các bạn may mắn và biết đâu sau này lại có duyên gặp nhau!