Có bao giờ bạn cảm thấy mệt mỏi vì phải suy nghĩ quá nhiều nhưng vẫn không tìm được câu trả lời cho vấn đề mình đang gặp? Đôi khi tình trạng này sẽ dẫn đến các quyết định sai lầm khiến bạn hối hận trong một khoảng thời gian dài. Với hầu hết mọi người, nguyên nhân lớn nhất là do việc suy nghĩ quá mức dẫn đến tình trạng thiếu tỉnh táo khi đưa ra quyết định. Đây là một trường hợp rất dễ gặp ở các bạn sinh viên ngày nay, khi mọi thứ dường như là quá nhiều để kiểm soát. Hãy cùng AC đi tìm lời giải cho vấn đề này nhé!
BẠN KHÔNG CẦN PHẢI LÀM MỌI THỨ HOÀN HẢO
Chủ nghĩa hoàn hảo là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc trì trệ và quyết định thiếu hiệu quả nó khiến bạn có xu hướng tin vào việc “được ăn cả, ngã về không”. Một người theo chủ nghĩa hoàn hảo sẽ luôn tìm “đáp án duy nhất” cho một câu hỏi. Nhưng trên thực tế, cuộc sống đôi khi không yêu cầu quá gắt gao với chúng ta. Có rất nhiều câu trả lời đối với một vấn đề và việc chấp nhận đáp án đúng ở mức vừa đủ sẽ giúp bạn giảm bớt gánh nặng. Lời khuyên tốt cho bạn sẽ là: “bạn không có nhiều thời gian thế nên đừng bỏ phí thứ quý giá này khi cứ đi lặp lại một vòng luẩn quẩn tìm sự hoàn hảo”.
XÁC ĐỊNH ĐÚNG ĐỘ NGHIÊM TRỌNG CỦA VẤN ĐỀ
Có một số vấn đề đáng để suy nghĩ thật kỹ và một số thì hoàn toàn không. Trước khi đưa ra một quyết định, hãy viết xuống những mục tiêu, mức độ ảnh hưởng, hay những người có liên quan tới quyết định này. Điều này sẽ giúp bạn có một cái nhìn rõ ràng hơn về tầm quan trọng của vấn đề. Một mẹo nhỏ cho bạn là đôi khi bạn có thể hỏi ý người thân cận về vấn đề đó, vì khi suy nghĩ dưới góc độ chủ quan bạn sẽ dễ nghiêm trọng hóa các vấn đề của mình.
TRỰC GIÁC LÀ MỘT VŨ KHÍ TRONG VIỆC ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH
Trực giác của bạn hoạt động như một trò chơi về sự kết nối. Bộ não sẽ tổng hợp hết tất cả những thông tin bạn có, kết hợp với các trải nghiệm từ quá khứ và đưa ra quyết định một cách nhanh chóng dựa trên hoàn cảnh thực. Quá trình này diễn ra gần như tự động nên nhanh hơn nhiều so với suy nghĩ một cách kỹ lưỡng. Điều này đồng nghĩa với việc trực giác sẽ rất tốt trong các trường hợp bạn cần đưa ra quyết định nhanh chóng. Nếu bạn đã xác định được đây là một vấn đề không quan trọng, hãy đưa ra quyết định dựa trên trực giác của bạn. Một trường hợp nữa mà bạn có thể dùng món vũ khí này là khi bạn đã suy nghĩ rất nhiều nhưng vẫn chưa tìm được câu trả lời hoặc chưa đủ sự dũng cảm để đưa ra quyết định, hãy để trực giác tiếp thêm cho bạn sự tự tin.
ĐỪNG ĐỂ BẢN THÂN BỊ KIỆT SỨC
Bạn sẽ phải đưa ra hàng trăm quyết định một ngày, từ việc ăn uống cho đến học hành, gia đình,... Những chướng ngại vật đầu tiên luôn dễ để vượt qua nhưng càng về cuối ngày, khi bản thân bạn đã kiệt sức, sự kém sáng suốt sẽ ập đến. Thế nên hãy để dành năng lượng xử lý của mình và phân bố nó một cách hợp lý. Loại bỏ việc phải suy nghĩ những vấn đề đơn giản bằng các hệ thống đã được xây dựng. Thử xếp lịch ăn uống cho một tuần để tránh việc phải suy nghĩ “hôm nay ăn gì” hay xây dựng một tủ đồ đơn giản nhưng chất lượng theo phong cách Capsule Wardrobe đối với một người luôn “không biết mặc gì bây giờ”.
CÓ KẾ HOẠCH CHO VIỆC ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH
Vậy là bạn đã biết giải quyết các vấn đề “không quan trọng” bằng trực giác hay các hệ thống, thế nhưng vẫn còn đấy những công việc thực sự quan trọng mà bạn phải giải quyết. Có lẽ ai cũng quen thuộc với định luật Parkinson (công việc sẽ chiếm hết khoảng thời gian mà bạn cho phép nó được chiếm). Chúng ta hãy sử dụng định luật này theo hướng tích cực cho mình. Hãy nhìn xa hơn và suy nghĩ xem những quyết định nào chúng ta sẽ phải đưa ra trong tuần, tháng, thậm chí là năm tới. Tiếp theo, hãy quyết định một ngày cụ thể để buộc chúng ta phải hoàn thành chúng và ghi vào cuốn lịch, sổ tay hay ứng dụng điện thoại,... Việc này sẽ giúp bộ não liên tục được nhắc nhở về các quyết định và được thôi thúc đi tìm kiếm đầy đủ các dữ liệu cần thiết cho việc đưa ra quyết định quan trọng đó. Bạn rõ ràng không muốn quyết định quan trọng của cuộc đời mình chỉ được cân nhắc trong vòng vài tiếng đồng hồ phải không nào!
KẾT
Suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định là một điều cần phải làm, thế nhưng đừng nên để bản thân kiệt sức trong vòng xoáy tư duy, suy nghĩ quá nhiều cho một vấn đề không quan trọng hoặc ép bản thân đưa ra quyết định quan trọng trong một thời gian ngắn. Hãy sử dụng các mẹo trên để tránh việc suy nghĩ quá mức và đưa ra các quyết định chuẩn xác hơn bạn nhé!
Comments