top of page
68985570_2583441608375423_35385622831709

PEER PRESSURE - LÀM SAO ĐỂ BIẾN ÁP LỰC THÀNH ĐỘNG LỰC



“Peer pressure vừa là người bạn tốt nhất và tồi nhất của sinh viên”. Đây là một nhận định hai chiều nhưng tiếc thay, đa số các bạn sinh viên lại nhìn nhận theo hướng tiêu cực. Peer pressure hay “áp lực đồng trang lứa” không còn là vấn đề xa lạ, đặc biệt là với các bạn sinh viên - họ thường xuyên ngầm so sánh mình với bạn bè xung quanh và nhận về những áp lực khổng lồ. Nhưng nếu nhìn nhận ở một góc độ thích hợp, peer pressure sẽ là chất xúc tác khơi dậy tinh thần cầu tiến, ý chí vươn lên, đặt bản thân trong sự so sánh để trở nên tốt hơn. Vậy làm sao để biến áp lực thành động lực?



Xác định mục tiêu cốt lõi của bạn


Hãy tập trung vào bản thân bạn nhiều hơn. Lắng nghe cơ thể và tinh thần của bạn để tìm ra những mục tiêu phù hợp với mình. Không phải ai cũng nhìn nhận thành công như nhau, có thể việc thành công của bạn chỉ đơn giản là có một sức khỏe tốt và mức thu nhập vừa đủ. Thiết lập những hành động và suy nghĩ bám sát theo mục tiêu đó của mình sẽ giúp bạn kiểm soát được hành vi và ít bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Một điều quan trọng nữa bạn cần hiểu đó là với mục tiêu càng lớn, bạn càng phải nỗ lực trong những hành động của mình, hãy bám sát vào con đường bạn đã đặt ra và “thành công” sẽ tìm đến bạn.




Trân trọng bản thân hơn


Mỗi con người là một cá thể khác nhau với tính cách, xuất phát điểm, điểm mạnh, điểm yếu khác nhau, vậy nên việc ép mình chạy theo thành tích, lý tưởng và mục tiêu của người khác là vô nghĩa. Nếu bạn còn đang hoang mang, hãy tự vẽ một bảng SWOT về chính mình và suy ngẫm về nó. Hãy tự xác định những điểm mạnh, yếu của bản thân mà liên kết với những mục tiêu cốt lõi ở trên. Việc trân trọng bản thân sẽ giúp bạn có một cuộc sống “thật” thay vì cứ mải chạy theo những đam mê, hoài bão của người khác.


Đừng chạy theo số đông


Đã bao nhiêu lần bạn làm một thứ gì đó chỉ vì có quá nhiều người làm nó và nhận về một thất bại? Đây là một vòng lặp có thể khiến bạn kiệt sức vì những thất vọng chính bạn áp đặt lên bản thân. Trước khi chấp nhận một thử thách hãy dành thời gian suy nghĩ xem bạn có thực sự muốn làm nó hay việc này có phù hợp với bạn không hay bạn chỉ đang chạy theo số đông. Điều này có vẻ trái ngược với lời khuyên “đi ra khỏi vùng an toàn” thường được nhắc đến, nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì việc chọn thử thách phù hợp với bản thân sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và nhanh chóng đạt được những mục tiêu mong muốn.



Đừng bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội


Mạng xã hội được sinh ra để kết nối mọi người nhưng đôi khi sự kết nối này lại mang đến những điều tiêu cực. Bạn rất dễ so sánh những khoảnh khắc thất bại của mình với những ánh hào quang của mọi người xung quanh. Đây là một sự so sánh quá khập khiễng vì đằng sau những thành công kia, ai cũng đã gặp thất bại nhiều lần nhưng tất nhiên họ sẽ không khoe điều đó ra bên ngoài. Bạn nên xem những tin tức này như một minh chứng rằng nếu nỗ lực bạn sẽ đạt được thành công. Nếu bạn thấy việc thấy những tin tức “hào quang” này làm bạn áp lực và khó chịu thì bạn hãy giảm tần suất tiếp xúc với những thông tin này. Mạng xã hội giờ đây đã thành một kênh tiếp thu thông tin chính của chúng ta, vậy nên đừng để thứ bạn nhìn thấy hàng ngày lại là vấn đề của bạn.




KẾT


Peer pressure rất khó để biến mất hoàn toàn trong cuộc đời của bạn. Thế nhưng peer pressure không hẳn là xấu. Thực tế, nếu bạn có thể khai thác mặt tốt từ nó, bạn sẽ có thêm động lực và quyết tâm để đạt được cuộc sống mơ ước của riêng mình. Hãy áp dụng những cách tiếp cận trên để peer pressure không còn ảnh hưởng tiêu cực đến bạn nhé!


Kommentare


Categories
Related Posts
bottom of page